Đặc sản Sapa– Bên cạnh những món ăn bạn có thể thưởng thức khi bước chân đến Sapa thì Megateen có một số đặc sản của Sa Pa mà bạn có thể mua về làm quà tặng người thân, bạn bè và mang lại cho họ “không khí tươi đẹp của Sapa” qua món quà đó.
Xem thêm : Top ++ homestay Sapa có view đẹp nhất
Là một thị trấn vùng cao, khí hậu mát mẻ nên ở Sa Pa có nhiều loại đặc sản ngon mà khi du lịch Sa Pa các bạn có thể mua về làm quà cho gia đình và bạn bè.
Lê tai nung Sa Pa
Lê tai nung có nguồn gốc từ Đài Loan, trong quá trình trồng tại một số nơi của tỉnh Lào Cai, cây Lê Tai nung tỏ ra phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương như huyện Bắc Hà, Sa Pa. Lê Tai nung ra hoa muộn hơn đào và mận, nên có thể tránh được thời điểm rét đậm trong mùa đông, thời gian thu hoạch vào tháng 6, tháng 7 (sau mùa thu hoạch đào và mận). Loại lê này có vị ngọt mát vỏ mỏng nhiều nước.
Đào Sa Pa
Sa Pa vốn nổi tiếng là vùng trồng đào ăn quả nổi tiếng, giống đào ở đây chủ yếu là giống Pháp (giống đào ta gốc hầu như không còn do bị chặt mang về xuôi để chơi) được đưa về trồng tại địa phương. Đào Sa Pa quả nhỏ, ăn giòn và có vị chua.
Mận hậu Sa Pa
Những cây mận này được trồng trên 20 năm tại Ô Quy Hồ, là loài cây gắn bó với đời sống của người dân Sa Pa, trở thành loại quả đặc sản nhiều người muốn thưởng thức. Khác với loài quả khác, khi chín, mận hậu Sa Pa vẫn giữ màu xanh, nhưng căng mọng, ăn dóc hạt, ngọt ngon đầu lưỡi.
Cải mèo Sa Pa
Cây cải Mèo thuộc hàng rau có bẹ, lá dài màu xanh đậm, viền lá xoăn cảm giác như có gai, loại có lông, loại trơn. Rau cải Mèo loại nhỏ, lá có lông ăn ngon hơn. Trước đây, đồng bào chỉ quen trồng cải Mèo để ăn chứ không bán nên chẳng chú trọng gì. Thường thì người dân địa phương không trồng thành hàng, thành luống mà chỉ quãi hạt ra ven nương, đồi để mọc tự nhiên, cây cứ thế lớn lên, xanh tốt.
Rau cải Mèo của Sa Pa được người dân địa phương nấu bằng nhiều cách: xào, nấu, luộc hoặc dùng để ăn lẩu. Thông thường, chế biến một cách đơn giản nhất, chỉ cần thái nhỏ, đập gừng đổ nước vào đun sôi là có một bát canh mát, rất hợp cho thực khách uống rượu. Kỳ công hơn, rau có thể nấu cùng với thịt gà băm rối, không quên bỏ gia vị gừng, nêm vừa mắm, muối, người thưởng thức sẽ cảm nhận được một hương vị thật độc đáo. Chất ngọt của thịt gà quện với cái ngọt mát, ngăm ngăm đắng của rau cải làm cho người ăn cảm thấy không bị ngán.
Su su
Do được trồng ở độ cao 1.500 mét, với màu mỡ đất mùn núi cao, đồng thời biên độ chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, khả năng tích lũy đường cao, nên đã tạo cho Su su Sa Pa có vị ngọt và độ giòn rất đặc trưng. Rau Su su trồng tại Sa Pa luôn phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng tốt, ít phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng.
Có một đặc điểm khác biệt so với Su su trồng ở các địa phương khác, là rau Su su Sa Pa chỉ trồng một lần và thu hoạch nhiều năm. Vì vậy, có những gốc Su su ở Sa Pa có tuổi đời hàng chục năm. Sau mỗi một mùa thu hoạch từ tháng 4 – 11 hàng năm, người dân lại cắt bỏ các dây Su su ở trên mặt đất, đồng thời tiến hành bón phân chăm sóc cho phần gốc. Tuy nhiên, với những năm thời tiết rét đậm đầu năm kéo dài, lại có tuyết rơi nên mùa thu hoạch Su su ở Sa Pa sẽ muộn hơn so với những năm bình thường.
Nấm hương rừng
Sapa không chỉ là vùng đất nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên mà còn là nơi lưu giữ được nét văn hóa ẩm thực tinh tế và độc đáo. Vùng đất này được thiên nhiên ban tặng cho vô số các đặc sản của núi rừng vô cùng thơm ngon, trong đó không thể không kể đến nấm hương Sapa. Nấm hương Sapa về hình thức cũng giống như các loại nấm hương khác nhưng ăn sựt sựt đã miệng, mùi thơm tự nhiên thích hợp cho các món xào hoặc lẩu vẫn có mùi thơm của nấm mà không át đi các vị thơm của các thực phẩm đi kèm.
Rượu táo mèo Sapa
Quả táo mèo hay người dân vùng cao còn gọi là quả sơn tra vốn từ lâu đã nổi tiếng với du khách Tây Bắc. Nếu nói đến táo mèo người ta sẽ nhớ nhiều đến Trạm Tấu hay Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, tuy nhiên, nếu nhắc tới rượu táo mèo thì có lẽ phải nghĩ ngay tới Sapa.
Để làm rượu chua chát, từng quả táo mèo được rửa sạch, trải qua những bước ngâm khác nhau tùy từng gia đình. Có nhà cẩn thận bổ đôi quả sơn tra, ngâm muối cho bớt nhựa quả, nhưng cũng có nhà lại để nguyên quả đảo qua đường cho nhựa ra nhiều rồi cho vào bình thủy tinh hoặc hũ ngâm rượu. Qua 6 đến 8 tháng rượu mới đạt đủ độ và cho ra một loại rượu thơm ngon, bổ dưỡng.