1
Bạn cần hỗ trợ?
Review du lịch Daklak đầy đủ nhất| Du lịch Daklak - Megateen - Kênh thông tin đa chiều về giới trẻ
Booking.com
Best value

Review du lịch Daklak đầy đủ nhất| Du lịch Daklak

Review du lịch DaklakNếu các bạn muốn có một trải nghiệm thú vị, phiêu du tìm vùng đất mới, thì DakLak chính là một địa điểm phù hợp cho bạn. Mảnh đất vùng Tây Nguyên không chỉ nổi tiếng với hương vị cà phê nổi tiếng toàn thế giới, cái nôi của cồng chiêng, mà còn là nơi đầy nắng và gió, những con người lam lũ lao động trên nền đất bazan, da đen nhẻm do thời gian để lại. Daklak không chỉ có voi, nó còn có nhiều hơn thế. Vậy các bạn hãy cùng Megateen cùng đi tìm hiểu về nơi này nhé.

Tổng quan về Daklak

Đắk Lắk hay Darlac  nghĩa là “hồ Lắk”, với dak nghĩa là “nước” hay “hồ”, là tỉnh có diện tích lớn thứ 4 nằm ở trung tâm Tây Nguyên, Việt Nam. Tỉnh lỵ của Đắk Lắk là thành phố Buôn Ma Thuột, nằm cách Hà Nội 1.410 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km. Ngày 26 tháng 11 năm 2003, tách tỉnh Đăk Lăk thành hai tỉnh là Đăk Lăk và Đăk Nông. Đắk Lắk được xem là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại được thế giới công nhận.

Thời gian lý tưởng

Daklak là vùng đất thuộc Tây Nguyên nên mang rất rõ đặc trưng của khí hậu nơi đây, tức là có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4. Thời gian thích hợp nhất để đi theo kinh nghiệm của những người khác là từ khoảng tháng 12 đến tháng 3, vì đây là thời gian hoa dã quỳ nở rộ, cho các tín đồ selfie tha hồ sống ảo, và đồng thời cũng là mùa của những lễ hội truyền thống đặc sắc. Màu vàng rợp kín cung đường vắt vẻo lên Tây Nguyên chắc chắn sẽ là những khung hình đáng nhớ nhất

 Phương tiện di chuyển

Có khá nhiều cách để di chuyển đến Daklak, tùy vào vị trí xuất phát của bạn. Dưới đây Megateen xin đưa ra các lựa chọn phổ biến nhất :

Hàng không:

Đang có 3 hãng bay khai thác đường bay đến Buôn Mê Thuột bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar.

Với Vietnam Airlines, hãng bay này đang khai thác tuyến bay từ Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM đến Buôn Mê Thuột. Cụ thể như sau:

Thành phố Hồ Chí Minh – Buôn Mê Thuột: giá vé xấp xỉ 1.000.000 đồng/chiều.
Hà Nội – Buôn Mê Thuột: giá vé khứ hồi nằm ở khoảng 2.800.000 đồng.
Đà Nẵng – Buôn Mê Thuột: giá vé khứ hồi thấp nhất sẽ tầm khoảng 2.100.000 đồng.
Vinh – Buôn Mê Thuột: giá vé khứ hồi nằm ở khoảng 2.800.000 đồng

Với hãng Vietjet Air, vé khứ hồi tuyến Hà Nội – Buôn Mê Thuột tầm khoảng 2.400.000 đồng và tuyến TP.HCM – Buôn Mê Thuật là tầm 1.100.000 đồng khứ hồi.

Với hãng Jetstar, có hai tuyến bay từ TP.HCM và Vinh – Buôn Mê Thuột . Gía vé từ TP. HCM đến Buôn Mê Thuột là 800.000 đồng khứ hồi nhưng không có tuyến bay vào thứ 3 và thứ 5.

Tuyến Vinh – Buôn Mê Thuột có giá tầm 1.500.000 đồng khứ hồi nhưng chỉ bay vào các ngày thứ 2, 4 và 7.

Xe khách: 

Có nhiều xe giường nằm và xe Limousine đi Đắc Lắc giá vé dao động từ 260k – 380k/vé tùy vào loại xe. Liên hệ tổng đài đặt vé 19006772 hoặc www.Megabus.vn

Từ tất cả các thành phố trên Việt Nam đều có chuyến xe khách đến với DakLak. Vừa đi vừa có thể thưởng ngoạn cảnh vật bên đường thì có gì đẹp hơn nào.

Ở đâu khi đến Daklak
Ở daklak chỉ yếu là miền núi nên theo chúng mình chọn homestay là hợp lí nhất, giá thành vừa rẻ và các bạn còn được tận hưởng phong cảnh hoang sơ nơi đây một cách chân thực nhất. Chi tiết nhà nghỉ các bạn xem tại đây.
Các địa điểm du lịch lí tưởng
Bản Đôn
Cách Buôn Ma Thuột gần 50 km về phía Tây-Bắc có một vùng đất từ lâu nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ðó là Buôn Ðôn (Bản Đôn) , nơi chung sống của cộng đồng các sắc tộc: Ê Ðê, M’nông, Gia rai, Lào, Thái… Buôn Ðôn cũng đã và đang trở thành một thương hiệu nổi tiếng của du lịch Đăk Lăk và Tây Nguyên nói chung.

Nhiều vị khách du lịch cho rằng, đến Đăk Lăk mà chưa đến Buôn Đôn thì coi như chưa lên Đăk Lăk; như vậy có thể nói rằng khu du lịch Buôn Đôn có một vị trí rất quan trọng trong các danh lam, thắng cảnh của tỉnh ĐăkLăk. Buôn Ðôn là tên gọi theo tiếng Lào, nghĩa là làng Ðảo, vì luôn được lập bên cạnh con sông Sêrêpốk có nhiều đảo nhỏ nổi giữa dòng nước ngày đêm cuồn cuộn chảy. Một bên sông là cuộc sống cộng đồng buôn làng êm ả, một bên là rừng đại ngàn Yok Ðôn đầy bí ẩn, kỳ thú và như còn vang vọng những âm thanh hào hùng của các cuộc săn voi từ xa xưa. Dưới con mắt những nhà chuyên môn, Buôn Ðôn có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác cả hai loại du lịch: du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. 

Đến đây, bạn được thưởng thức những cảnh đẹp tuyệt vời của Làng Đảo, cũng cầu treo, ngắm thác bảy nhánh, thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng Tây Nguyên trù phú và đặc biệt là được ngắm ngôi nhà dài hàng trăm mét của đồng bào Tây Nguyên. Tại đây, khách du lịch sẽ được cưỡi voi tham quan cuộc sống buôn làng, nếu ai muốn có “cảm giác mạnh” thì cưỡi voi vượt sông Sêrêpốk để đến với vườn Quốc gia Yok Đôn. Bên cạnh những cảm giác thú vị ngồi lắc lư trên lưng voi, bạn còn được thưởng thức một cảm giác mạnh khác là cái lắc lư nghiêng ngã của cầu treo Buôn Đôn, với chiếc cầu treo dài trên 100 mét bắc ngang lưng chừng những rặng si già vượt qua dòng sông dữ đến ốc đảo Ea Nô, với bãi tắm tiên, hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ… Ngoài ra, bạn còn có thể đến thưởng thức đặc sản của các dân tộc  thăm nhà sàn, tìm hiểu về phong tục tập quán của họ…

Khu du lịch đồi Tâm Linh (Chùa Tâm Linh)

Giữa những con thác ồn ào ngày đêm không ngừng nghỉ của núi rừng Tây Nguyên, đồi Tâm Linh lại đem lại một vẻ tĩnh lặng thật yên bình.  Khu du lịch Đồi Tâm Linh là khu chùa Tâm Linh, thuộc huyện Buôn Đôn, tại đây có tượng phật Quan Âm cao gần 40 mét. Phía bên ngoài được vườn được xây dựng 18 vị La Hán được chạm khắc trên đá những vẻ mặt với nhiều tâm trạng khác nhau, 18 vị được xếp xung quanh vườn.

Tất cả các khu vực này được đầu tư tỉ mỉ, tạo thành một không gian tâm linh rộng lớn chạy dài từ chân lên tới đỉnh đồi. Ngôi chùa được xây dựng theo lối kiến trúc mở nên du khách tới đây có thể vãn cảnh chùa và được ngắm những cánh rừng đại ngàn hai bên đồi. Đâu đó văng vẳng tiếng du dương, nghe như những tiếng thì thầm, thực sự lắng lòng lại, an tịnh đôi chút, nếu bạn ở đó chắc chắn bạn sẽ cảm nhận, rằng đó là những sắc thanh của đất mẹ, của hồn thiêng núi rừng Tây Nguyên kỳ vĩ…

Mộ vua săn bắt Voi (Khunjunob)

Mộ vua voi ở Bản Đôn là mộ phần của Khun Yu Nốp (N’ Thu K’Nul), người được mệnh danh là vua voi bản Đôn, Đăk Lăk và người kế tục của ông là R’leo K’Nul.
Đây là khu lăng mộ của gia đình vua voi Khunjunob, một nhân vật lịch sử có đã trở thành một huyền thoại của vùng Bản Đôn nổi tiếng về truyền thống săn bắt voi và thuần dưỡng voi rừng.
Gồm 2 lăng mộ xây gạch, lăng mộ của vua voi N’Thu K’Nul do R’leo K’Nul, người kế tục sự nghiệp, cho xây dựng. Mộ có kiến trúc M’nông và Lào với mô típ hình khối đơn giản trên có trang trí hình búp sen ở bốn góc và đỉnh mộ. Mộ của R’leo K’Nul, ở ngay bên cạnh, được xây dựng rất đẹp theo mô típ hình chóp nhọn của dân tộc Campuchia; mộ do do chính vua Bảo Đại cho người sưu tầm kiểu dáng và xây dựng để cảm tạ về con voi trắng mà vua voi tặng cho ông và công xây dựng đội tượng binh. Do hai ngôi mộ liền kề nhau và kết hợp hài hòa như một nên chính là lý do vì sao người ta hay nhầm tưởng đây là một ngôi mộ duy nhất và mộ R’ Leo mới là mộ vua voi Khunjunob. Là một nơi tâm linh hội tụ nhiều yếu tố từ lịch sử đến mĩ thuật, một nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa vốn đã định hình nên bản sắc núi rừng Tây Nguyên bao đời nay.

Vườn quốc gia Yok Đôn

Vườn quốc gia Yok Don nằm trên địa bàn 7 xã thuộc 3 huyện: Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, xã Ea Bung, Chư M’Lanh huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) và xã Ea Pô huyện Cư Jút (tỉnh Đăk Nông); vườn cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40 km về phía tây bắc. Điều hấp dẫn du khách khi tới đây là cảnh quan hoang sơ của núi rừng. Những cánh rừng đại ngàn của vườn Quốc gia Yok Đôn thuộc hệ sinh thái rừng khộp của Tây Nguyên, mang đặc tính của rừng nhiệt đới Đông Nam Á. Vườn Quốc gia Yok Đôn là nơi cư trú của 62 loài động vật, 196 loài chim, 46 loài bò sát, 13 loài lưỡng cư và 464 loài thực vật, phần lớn là Ngọc Lan. Trong số 56 loài động vật quý hiếm của Đông Dương, Yok Đôn có tới 38 loài, 17 loài có tên trong sách đỏ thế giới.
Du khách tới đây sẽ có dịp khám phá nhiều điều kỳ thú, được cưỡi voi dạo chơi dưới tán rừng xanh mát, thưởng thức hương thơm của các loài lan rừng, quây quần bên ché rượu cần nghe già làng kể về những truyền thuyết của vùng đất này.

Vườn quốc gia Chư Yang Sin

Với diện tích lên tới gần 59 ngàn ha, trong đó chia thành nhiều phân khu, với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 19.401 ha, phân khu phục hồi sinh thái 39.526 ha và phân khu dịch vụ hành chính 20 ha, vườn quốc gia Chư Yang Sin còn có một vùng đệm rộng 183.479 ha, nằm trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng, huyện Lắk và huyện Krông Bông của tỉnh Đắk Lắk.  Vường quốc gia vừa là nơi để tham quan, du lịch sinh thái, cũng như có ý nghĩa quan trọng về mặt bảo tồn sinh học khi mà sở hữu nhiều loài thú đang nằm trong sách đỏ.
Đến thăm Chư Ya Sin các bạn có thể lựa chọn giữa các hoạt động đa dạng như ngắm cảnh đi dạo, picnic, câu cá, trèo thuyền độc mộc trên mặt sông tĩnh lặng…
 
Biệt điện Bảo Đại


Bảo Đại- vị cua cuối cùng của Việt Nam nói chung hay triều Nguyễn nói riêng, có kha khá biệt điện rải rác khắp miền trung, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ được tọa lạc trên hồ Lắk . Từ đồi Bảo Đại nhìn xuống thấy cả hồ Lak như một viên ngọc lóng lánh, nhận ra nơi đây xưa đúng là một cái rốn sinh thái, đa dạng sinh cảnh, quần tụ muôn loài. Ngoài nghỉ dưỡng, biệt điện này còn có vai trò là một “trại săn” của vua Bảo Đại. Ngày nay sau hàng thập kỉ hoang phế, nơi đây đã được biến thành một nhà hàng- khách sạn sang trọng. Ngoài thưởng thức những món ăn độc đáo của núi rừng Tây Nguyên thì nơi đây cũng trưng bày các hiện vật, mang đến cho du khách những trải nghiệm trân thực nhất về cuộc sống của 1 đế vương.

Đỉnh đá voi

Đá Voi Yang-tao gồm một cặp hòn đá Voi Cha và hòn đá Voi Mẹ, nổi tiếng với truyền thuyết là “hòn đá biết đi”. Nằm cách trung tâm thành phố Buôn Mê  khoảng 40 km theo đường quốc lộ 27. Cặp đá voi này là hai hòn đá nguyên khối có kích thước lớn, hình thù giống con voi đang nằm nên được người dân quanh vùng gọi là đá Voi Cha và đá Voi Mẹ. Chúng được gắn liền với những truyền thuyết ly kì, được coi như biểu tượng thần tình yêu trong quan niệm của người đồng bào thiểu số nơi đây.

Từ mặt đất, chỉ mất khoảng 15 phút để lên đến đỉnh cao nhất của tảng đá bằng cách leo qua những sườn dốc thoai thoải. Từ trên đỉnh đá Voi Mẹ, có thể quan sát nhiều thắng cảnh trong vùng như: hồ Yang Reh và dãy Chư Yang Sin – mái nhà của Tây Nguyên. Cách đó 5km, đá Voi Cha nằm sừng sững giữa thung lũng, mặt hướng về phía những dãy núi điệp trùng. Đây là một địa điểm có thể cho ra đời các bức ảnh nghìn like, tha hồ sống ảo.

Buôn Jun – Buôn Lê


Thuộc thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk. Đặc điểm: Nằm tựa mình bên hồ Lăk trong xanh thơ mộng, buôn Jun mang một vẻ đẹp nguyên sơ hiền hòa của buôn làng Tây Nguyên. Tuy thuộc về thị trấn Liên Sơn (huyện Lăk) nhưng buôn Jun vẫn như một thiếu nữ miền sơn cước luôn giữ cho mình những bản sắc truyền thống đã được bảo tồn qua bao thế hệ.

Đến buôn Jun, nhìn những ngôi nhà sàn theo kiểu kiến trúc cổ truyền của đồng bào Tây Nguyên nép mình dưới bóng cây xanh, ngắm các thiếu nữ buôn làng chăm chỉ cần mẫn bên khung dệt thổ cẩm…, du khách sẽ ngỡ như mình đang ngược dòng thời gian trở về với khung cảnh thanh bình, nên thơ đẫm chất huyền thoại đã từng in dấu ấn vào những bản trường ca thuở xa xưa. Mặc dù trải qua nhiều biến động của lịch sử, buôn Jun vẫn bảo lưu và phát huy được những nét đẹp văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán cổ truyền mà tổ tiên để lại. Nếp sống và sinh hoạt của đồng bào dân tộc buôn Jun mang một nét đặc trưng riêng vốn đã được định hình từ hàng trăm năm trước.

Là một địa điểm đầy màu sắc văn hóa, buôn Jun chắc chắn sẽ là một địa điểm để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của du khách.

Thác Dray Nur

Khác với những ngọn thác khác ở cao nguyên này, thác Đray Nur gắn với hai truyền thuyết khác nhau, với hai cách giải thích tên khác nhau. Với giải thích Đray Nur – nghĩa là thác cái, thác vợ – thác gắn liền với mối tình “Romeo và Juliet” của núi rừng. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một đôi trai gái của hai bản khác nhau yêu nhau tha thiết nhưng do hai bản có xung đột với nhau nên tìm đủ mọi cách ngăn cấm. Không nhận được sự cảm thông của dân làng, không thể hòa giải xung đột giữa hai bản, vào một đêm trăng, cả hai đã nhảy xuống sông để trọn đời bên nhau. Tức giận vì sự ích kỷ của dân làng dẫn đến quyết định sai lầm của đôi trẻ, trời nổi cơn giông bão, nước cuồn cuộn dâng cao, chia sông thành hai nhánh, ngăn cách đường đi của 2 dòng tộc.

Truyền thuyết khác lại bắt nguồn từ hang động phía sau thác, nơi được cho là nơi ở của vua thủy tề. Ngày xưa vua Thủy Tề có một đứa con trai tên là Nur, chàng hoàng tử rất khôi ngô tuấn tú và rất thích chu du ngắm cảnh. Một ngày nọ, chàng gặp 2 nàng công chúa, con của vị vua vùng đất mình ngang qua. Hai nàng rất xinh đẹp nhưng do vua cha mất sớm nên cuộc sống trở nên nghèo khó, phải đào củ mài mà ăn. Thương hai nàng vất vả, chàng theo nàng về nhà, làm phép để thạp gạo trong nhà đầy tràn, và sống hạnh phúc cùng hai nàng.

Một thời gian sau, chàng nhớ vua cha, muốn về thủy cung thăm người. Nhưng công chúa, vợ chàng lo sợ nếu chồng đi thì sẽ rất lâu, thậm chí không trở về nên tìm đủ mọi cách giữ chàng, một bước không rời. Không còn cách nào khác, chàng đành hóa thân thành con dũi vàng, vượt màn nước vào động thăm cha. Người vợ cứ đứng đợi bên ngoài, đợi mãi, đợi mãi vẫn không thấy Nur trở lại. Từ đó, người dân nơi đây gọi ngọn thác này là Dray Nur, nghĩa là thác con dũi vàng.

Thác Bảy Nhánh

Đến với thác Bảy Nhánh, du khách không những được tận hưởng cảnh quan thiên nhiên của vùng sinh thái nơi đây mà còn có thể tiếp tục tham quan vườn Quốc gia YokDon, nghe kể về truyền thống săn bắt, thuần dưỡng voi rừng, du thuyền hay cưỡi voi vượt dòng Sêrêpôk, giao lưu văn hóa cồng chiêng với đồng bào M’Nông, thưởng thức những món ẩm thực khác lạ như cơm đùm lá chuối, gà nướng lá bưởi, kiến vàng bóp cải xanh, sở hữu những món đồ mỹ nghệ truyền thống như: túi dệt thổ cẩm, các loại gùi. Dòng Sêrêpôk chảy qua đây chia làm bảy dòng sông nhỏ chảy qua các tảng đá lớn tạo thành 6 hòn đảo nhỏ giữa các nhánh sông.

Đứng trên cao quan sát, thác giống như bàn tay xòe ra giữa ghềnh thác trắng xóa. Nơi đây có bãi tắm đẹp và cũng là nơi lý tưởng để đua thuyền độc mộc. Nơi rộng nhất của thác khoảng 2km. Nhánh thứ nhất được che bởi rặng si già, nhánh thứ hai, thứ ba, thứ tư là ghềnh đá lớn, nhánh thứ năm có bãi sạn, đá cuội được nước bào mòn vô cùng xinh xắn, nhánh thứ sáu có bãi cát rộng, phẳng đẹp, sang nhánh thứ bảy là đến khu rừng nguyên sinh thuộc vườn Quốc gia YokDon.

Tháp Chàm Yang Prong


Điều làm nên sự đặc biệt của ngọn tháp chính là địa điểm tọa lạc của nó. Không được xây dựng như những ngọn tháp thường thấy ở những nơi thoáng đãng mà lại nằm chìm lấp dưới những tán cổ thụ của rừng già Ea Súp và bên dòng sông Ea H’leo. Đây cũng chính là ngọn tháp Chàm duy nhất được tìm thấy trên Tây Nguyên. Tháp có chiều cao 9m, đáy vuông mỗi cạnh dài 5m, có một cửa mở về phía Đông. Tháp để thờ thần Siva. Trong thời gian chiến tranh, tháp đã bị đánh mìn một lần nên đã hư hỏng nhiều. Tuy vậy nhưng sau bao thế kỉ thì tháp vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có của nó, già cỗi nhưng vẫn huyền bí…

Ẩm thực DakLak

 Rượu cần Tây Nguyên


Rượu cần là rượu được làm từ men lá cây rừng ủ với gạo nếp, bo hoặc sắn, không qua chưng cất. Cần để uống rượu được làm bằng cây trúc hay cây triêng, cây có độ dài khoảng một mét, chặt đem về phơi khô, rút lõi bỏ đi. Rượu cần đặc sản ở Đắc Lắc có hương vị thơm, ngọt nhẹ, một điểm nổi bậc là khi uống sẽ không bị đau đầu như các loại rượu khác.
Giá khoảng 170.000 đồng/ bình.

 Thịt nai Đắc Lắc

Khám phá và thử qua những món ngon ở Đắc Đắc, chắc chắn bạn khó lòng cưỡng lại những món ăn ngon làm từ thịt nai. Thịt nai thơm và dai, khác thịt bò ở chỗ ít gân, mỡ màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non.

Thịt nai có thể chế biến thành nhiều món ngon: nai nướng, nai xào lăn, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, cháo bao tử và sau cùng là nai khô. Đặc biệt là món thịt nai khô dai dai, cay cay, thịt ngọt còn nguyên mùi khói được nhiều người tâm đắc, khen ngợi. Bởi thế thịt nai được coi là món quà bạn không nên bỏ lỡ khi đến Đắc Lắc
Giá khoảng: 225.000 đồng/1 kg thịt nai tươi và 300.000đồng/1kg thịt nai khô.

 Đặc sản Bơ sáp Đắc Lắc 

Bơ sáp Đắk Lắk là loại trái cây rất tốt cho sức khỏe, phù hợp với mọi lứa tuổi. Nói đến bơ sáp thì nhiều vùng cũng có, nhưng bơ sáp Đắc Lắc lại đặc biệt hơn, bơ đặc sản của Đắk Lắk dẻo quánh, đặc ruột, ít sượng, không bị sơ, ít đắng và cầm nặng tay hơn các loại bơ khác, bơ có vị béo thơm đặc trưng mà không loại bơ nào sánh được.

Bạn nên chọn những trái bơ già, đó là những trái mà bạn chỉ cần lắc nhẹ là cảm nhận được hạt bơ lăn tròn bên trong. Cuống bơ tươi, cầm bơ rất chắc tay. Giá khoảng: 25.000 đồng/1kg.

 Măng le Đắc Lắc 

Tới Đắc Lắc hẳn là du khách sẽ bắt gặp cây măng le, cây thuộc họ tre nứa khá phổ biển ở đây. Măng le, tuy không phải là món cao lương mĩ vị, nhưng với những gì mộc mạc nhất, măng le là món ăn đặc sản chiếm được nhiều cảm tình của du khách cho mảnh đất đỏ bazan đầy nắng, gió này.

Với đặc điểm đặc ruột, vị ngọt, bùi, không đắng chát, măng le có thể chế biến được những món ăn đơn giản như: măng le nấu thịt vịt, măng le hầm giò heo, măng le xào gan… Đặc biệt, món măng le nấu với thịt nai khô ăn kèm với cơm trắng thì còn gì tuyệt bằng.
Giá khoảng 180.000 đồng/1kg măng le tươi; 380.000đồng/1kg măng le khô.

Cơm lam

Cơm lam là món ăn này được hình thành từ những chuyến đi làm rẫy, đi rừng dài ngày của những người đàn ông Tây Nguyên. Cơm được cuộn nấu trong ống tre nén chặt bằng lá chuối đem vùi trong lửa. Cơm khi chín sẽ thơm ngon mang vị thanh ngọt của tre hòa nguyện với vị ngọt của hạt gạo, làm say lòng bất cứ ai nếu thưởng thức.

Khi thưởng thức món cơm lam, chỉ cần bóc bỏ lớp nứa bên ngoài, cắt khúc và bạn đã có món cơm lam dẻo, thơm hấp dẫn. Dùng cơm lam nên ăn kèm với muối vừng, thịt gà hoặc thịt lợn nướng sẽ làm tăng thêm hương vị của món ăn. Đặc biệt, cơm lam bạn có thể ăn sáng, ăn trưa ở Đắc Lắc hay ăn tối ở Đắc Lắc đều được.
Vì là món cơm được nấu từ gạo, nên cơm lam Đắc Lắc không để được lâu, chỉ để được khoảng một tuần ở nhiệt độ thường, vì thế bạn nên mua vào ngày cuối cùng của chuyến du lịch của mình.
Giá khoảng 15.000đồng/1 ống
Vậy đó là đúc kết kinh nghiệm du lịch của Megateen. Chúc các bạn có những phút giây thật đáng nhớ tại đây.
 

Megateen - Kênh thông tin đa chiều về giới trẻ
Logo
Compare items
  • Total (0)
Compare
0