1
Bạn cần hỗ trợ?
Review du lịch Lạng Sơn đầy đủ nhất 2020 - Megateen - Kênh thông tin đa chiều về giới trẻ

Review du lịch Lạng Sơn đầy đủ nhất 2020

Review du lịch Lạng Sơn đầy đủ nhất 2020-Trong thời đại ngày nay, khi mà đời sống của người dân ngày càng cao hơn, đặc biệt là các bạn trẻ, thì cùng với đó là nhu cầu du lịch ngày càng tăng. Đi du lịch theo đoàn để giải tỏa áp lức sau những thời gian làm việc căng thẳng, với người yêu để thêm gắn kết tình cảm hoặc với gia đình để càng yêu thương họ hơn… dù là vì lí do gì đi nữa, thì du lịch là một thứ gì đó mà ai cũng nên trải nghiệm. Nhắc tới du lịch ngoài những địa điểm đã quá nổi tiếng với hàng nghìn hàng vạn người checkin như Tam Đảo, Hà Giang, Đà Lạt… thì Lạng Sơn là một nơi không cũ cũng không hẳn là mới. Tọa lạc tại tỉnh biên giới phía Bắc, Lạng Sơn đem đến cho du khách những câu chuyện li kì, hoặc nếu bạn không phải fan của những chuyện dân gian, thì núi rừng xứ Lạng sẽ chắc chắn dịu êm tâm hồn của bạn. Hôm nay, Megateen sẽ chia sẻ cho các bạn những kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn đầy đủ nhất mà bọn mình đã đúc kết được nhé.

Tổng quan về Lạng Sơn

Lạng Sơn, còn gọi là xứ Lạng, là một tỉnh miền núi ở vùng Đông Bắc Việt Nam.

  • Phía bắc giáp tỉnh Cao Bằng: 55 km
  • Phía đông bắc giáp Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc): 253 km
  • Phía nam giáp tỉnh Bắc Giang: 148 km
  • Phía đông nam giáp tỉnh Quảng Ninh: 49 km
  • Phía tây giáp tỉnh Bắc Kạn: 73 km
  • Phía tây nam giáp tỉnh Thái Nguyên: 60 km.

Ngoài ra,  Lạng Sơn còn sở hữu 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và 7 cặp chợ biên giới. Cùng với đó, Lạng Sơn có đường sắt liên vận quốc tế, di chuyển thuận lợi tới Hà Nội thậm chí là các tỉnh phía Nam trong cả nước và với Trung Quốc…

Lạng Sơn là vùng đất lâu đời, từ xưa đến nay đã được cha ông ta hi sinh xương máu để hết lòng gìn giữ bảo vệ, từ thời nhà Lê đến thời kì kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Bao nhiêu chiến công đã được gây dựng ở mảnh đất thiêng liêng này, làm rạng danh lịch sử, ghi tên mình vào những trang sử vàng đầy tự hào của dân tộc ta. Với ải Mục Nam Quan, ải Chi Lăng, Thành nhà Mạc. Nền văn hoá Bắc Sơn, căn cứ Cách mạng Bắc Sơn,… các địa danh lịch sử không chỉ giúp thu hút khách tham quan đổ về đây, mà còn giúp con cháu đời sau đời đời nhớ ơn và biết phát huy công lao của cha ông thế hệ đi trước.

Ngoài ra, nếu bạn chỉ muốn đến đây để giải tỏa, thì Lạng Sơn cũng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của bạn. Phong cảnh hữu tình, không quá hiện đại như Hà Nội nhưng cũng không hoang dã như chưa con người nào từng khai phá, vùng đất này đem lại cảm giác rất khác cho mọi người từng ghé qua đây. Có lẽ đó là tiếng chim rừng hót mỗi buổi sớm mai, tiếng nói của những người họp phiên chợ… Mỗi người mỗi khác, nhưng dù có là gì, thì chắc chắn đến đây là lựa chọn bạn sẽ không bao giờ phải hối hận.

 

Thời gian thích hợp du lịch Lạng Sơn

Câu trả lời cho câu hỏi này thì chỉ có một, đó là bất cứ khi nào bạn rảnh và muốn đi, vì thực sự xứ Lạng mỗi mùa mỗi khác, muôn màu muôn vẻ, mùa nào thì cũng thích hợp để du lịch hết. Tuy nhiên có một lưu ý rằng tháng 7 hằng năm là thời điểm có bão, nên có thể sẽ hơi bất tiện trong việc đi lại cũng như bạn sẽ không trải nghiệm hết được vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh nơi đây.

Chúng mình gợi ý bạn khoảng thời gian tốt nhất để du lịch Lạng Sơn:

  • Tháng 12 đến tháng 1: Gió mùa đông bắc tràn về, và Lạng Sơn là nơi đón gió, nên không khí sẽ rất rất lạnh, nhưng cùng với đó là bạn có cơ hội ngắm tuyết trên đỉnh Mẫu Sơn hùng vĩ.
  • Tháng Giêng âm lịch: Mùa của những lễ hội truyền thống. Hãy đến vào thời gian này nếu bạn muốn học hỏi thêm về lịch sử và truyền thống của dân tộc anh em ta, hoặc giải tỏa tinh thần với lễ hội của những ngôi chùa lớn như Tam Thanh,…
  • Cuối tháng 7 và cuối tháng 11: Mùa lúa chín tại thung lũng Bắc Sơn, thích hợp để đi săn ảnh lúa vàng.
  • Cuối tháng 8 – đầu tháng 9: đặc sản “na đu dây” Chi Lăng vào mùa.

Di chuyển đến Lạng Sơn

Có khá nhiều cách để di chuyển đến Lạng Sơn, tùy xem bạn đi theo phương tiện nào. Cách Hà Nội 180km và điều kiện giao thông không có gì bất tiện, nhìn chung du khách có thể đến Lạng Sơn theo các cách sau:

  • Đi xe khách: Xe chạy thường xuyên trong ngày từ các bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm hay Lương Yên (Hà Nội). Thời gian di chuyển khoảng 4 – 5 tiếng. Giá vé: từ 100.000 – 170.000VNĐ/ người.
  • Đi tàu hoả: Tàu đi Đồng Đăng khởi hành từ ga Hà Nội vào khoảng 7h sáng, mất khoảng hơn 4 giờ đồng hồ để về tới ga thành phố Lạng Sơn trước khi tới ga cuối Đồng Đăng. Giá: từ 80.000 – 115.000VNĐ/ người.
  • Di chuyển bằng xe máy/ Phương tiện cá nhân: Còn tùy thuộc và bạn xuất phát ở đâu, nhưng chúng mình cứ lấy ở Hà Nội nhé. Thời gian đi mất khoảng 4- 5 tiếng. Bạn nên đi theo cung đường  Hà Nội – Bắc Ninh – Bắc Giang – Lạng Sơn hoặc theo QL5 rồi vào đường 1A. Nếu đi Mẫu Sơn thì sau khi lên tới TP.Lạng Sơn, các bạn đi thêm khoảng 20km nữa.

 

Ở đâu khi du lịch đến Lạng Sơn?

Như đã nói ở bên trên, Lạng Sơn cũng không phải là điểm danh đã đợc khai thác tiềm năng du lịch lâu nên dịch vụ khách sạn ở đây cũng chưa thực sự phát triển. Nếu bạn chỉ muốn tìm nơi nghỉ chân trước khi tiếp tục chuyến hành trình của mình, những nhà nghỉ ven đường cũng không phải là ý tồi đâu. Nếu muốn tiện nghi hơn một chút, các bạn có thể tham khảo các homestay mà bọn mình đề nghị TẠI ĐÂY

Các địa điểm không thể bỏ qua ở Lạng Sơn

Chùa Tiên- Giếng Tiên 

Chùa thường gọi là chùa Song Tiên, tọa lạc ở phố Hoàng Hoa Thám, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Chùa nằm ngang chừng núi Đại Tượng (lên 64 bậc cấp), quả núi đá có hình con voi nằm về phía Nam thị xã Lạng Sơn, cách cầu Kỳ Cùng khoảng 500m, trên đường đi Mai Pha. Nếu bạn là người ưa chuộng du lịch tâm linh, thì chắc chắn đây là nơi bạn không nên bỏ qua rồi.  Truyền thuyết dân gian nói rằng, ông Tiên ngụ cư trên đỉnh núi, dẫm chân xuống đá mà thành giếng, nước giếng lại trogn vắt và mát mẻ vô cùng. Chính giếng nước này là ân nhân cứu người dân trong mỗi mùa hạn hán, hay những câu chuyện khách nói về ông Tiên mải đánh cờ mà quên không về trời, hóa đá lúc nào không hay….

Đền Kỳ Cùng

Tọa lạc tại ở phường Vĩnh Trại, bên phía bờ bắc sông Kỳ Cùng, là nơi thờ thần Giao Long (thần sông nước) với nhiệm vụ giữ cho quanh năm mưa thuận gió hòa,. Đền có bến đá Kỳ Cùng được Ngô Thì Sỹ nhắc đến trong Trấn danh bát cảnh( 8 cảnh đẹp nhất) tại Lạng Sơn, được gọi với cái tên Kỳ Cùng thạch độ.

Thành nhà Mạc

Nếu bạn là một người yêu thích và khám phá lịch sử nước nhà, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ không bỏ qua nơi đây. Đây là một trong số những di tích kiến trúc quân sự từ thời phong kiến còn tồn tại cho tới nay.

Thành nhà Mạc được xây dựng ở vị trí án ngữ giao thông đường thủy và đường bộ bên bờ sông Lô – Khu vực phát triển về thương nghiệp và các triều đại phong kiến. Từ thời nhà Lý đã đóng quân tại đây với tên gọi đồn Tam Kỳ (hay Tam Cờ).

Thành cấu trúc theo kiểu hình vuông, mỗi bề tường dài 275 m, cao 3,5 m, dày 0,8 m, diện tích 75.625m2. Ở giữa mỗi mặt thành có một vành bán nguyệt, giữa vành bán nguyệt đó là cửa, trên cửa xây tháp, mái ngói. Trong tường có một con đường nhỏ xung quanh dùng làm đường tiếp đạn lên thành. Bao bọc tường thành là một lớp hào sâu ngập nước.

Gạch xây thành là loại có kích thước lớn hơn nhiều so với gạch chỉ hiện nay, làm bằng thứ đất có nhiều quặng sắt rất rắn (đặc trưng của kiểu gạch thời Lê). Đến đầu đời nhà Nguyễn, thành được sửa chữa, gia cố thêm bằng loại gạch nhỏ. Trong thành chếch hướng bắc là núi Thổ (Thổ Sơn – núi đất) cao 50 m, dốc đứng, phải qua 193 bậc đá mới lên tới đỉnh. Trải qua nhiều biến động của lịch sử và sự phát triển của đô thị, Thành nhà Mạc đã bị xuống cấp nhiều.

Do quá trình đô thị hóa, xuất hiện các tuyến đường cắt ngang khiến thành cổ bị chia cắt. Hiện nay thành chỉ còn lại một phần dấu vết khi xưa với hai cổng thành phía Tây và phía Nam đã đổ nát và một đoạn tường thành dài chưa đến 100m.

Đứng từ trên đỉnh núi phóng tầm mắt ra xa, du khách có thể thu vào toàn cảnh thành phố Lạng Sơn từ trên cao, riêng cá nhân mình nghĩ đây là trải nghiệm khá thú vị và đáng nhớ.

Chùa Tam Thanh

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”

Có lẽ bạn không cần là người xứ Lạng nhưng cũng đã nghe qua hoặc thuộc lòng 2 câu thơ lục bát này. Chùa nằm bên trong động Tam Thanh, còn có tên gọi khác là chùa Thanh Thiền. Không cỉ nổi tiếng là một địa điểm du lịch tâm linh, chùa còn mang nhiều giá trị về mặt sử liệu và văn hoá nghệ thuật do các văn thân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử lưu lại. Chùa Tam Thanh có một tượng phật A Di Đà màu trắng với nét mềm mại, uyển chuyển được tạc nổi vào vách đá từ thế kỷ 15. Pho tượng này mang phong cách nghệ thuật thời Lê – Mạc (thế kỷ 16-17) tạc theo thế đứng trong hình một lá đề. Tượng cao 202 cm, rộng 65 cm, mặc áo cà sa buông chùm xuống tận gót, hai tay chỉ xuống đất trong thế ấn cam lộ.

Ngoài ra, Chùa còn có hồ Âm Ti với làn nước trong xanh bốn mùa với muôn trùng nhũ đá thiên tạo từ ngàn năm rất đẹp.

Đền Mẫu Đồng Đăng

Đền Mẫu Đồng Đăng nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, cách cửa khẩu Hữu Nghị khoảng 4km. Đền Mẫu Đồng Đăng là nơi thờ Phật và Mẫu Thượng ngàn mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Lạng Sơn. Đây cũng là một trong những nơi thờ tự nổi tiếng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Mỗi dịp Xuân về, nơi đây trở thành điểm đến tâm linh linh thiêng của du khách trong hành trình đến với thị trấn vùng biên xứ Lạng.

Chợ Đông Kinh và chợ đêm Kỳ Lừa

  • Chợ Đông Kinh là trung tâm mua bán lớn nhất thành phố Lạng Sơn với kết cấu 3 tầng, tầng 1 bán đồ điện tử, tầng 2 bán hàng tạp hóa, tầng 3 bán hàng thời trang.
  • Chợ Đêm Kỳ Lừa lại chuyên bán các loại hàng hóa phục vụ khách du lịch, mang đậm bản sắc miền biên cương sẽ phục vụ du khách từ 6h – 23h mỗi ngày.

Tuy nhiên, do bản thân Lạng Sơn là vùng biên giới, nên hàng hóa chủ yếu là của Trung Quốc. Vậy nên để tránh tình trạng hàng giả hàng nhái kém chất lượng, bạn hãy nên kiểm tra thật kĩ rồi mới quyết định nên mua hay không. Tiền nào của đấy, đừng vì quá rẻ mà ham mua nhiều. Nếu bạn biết mặc cả thì đó cũng sẽ là một lợi thế khi bạn đến chợ đêm nhé.

 

Đó là những địa điểm du lịch tâm linh cũng như là biểu tượng của Lạng Sơn rồi. Còn nếu bạn là một người trẻ tuổi muốn khám phá, chúng mình xin giới thiệu với các bạn những địa điểm tốt nhất để chill dưới đây.

Thung lũng hoa Bắc Sơn

Thung lũng hoa Bắc Sơn nằm ở thôn Lân Khoang, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) là điểm check-in không thể bỏ lỡ. Được biết đến là thung lũng hoa lớn nhất Việt Nam, ở đây có hàng trăm loài hoa với muôn hình muôn vẻ để cho bạn thoải mái có thể sống ảo. Dưới những ngọn núi hùng vĩ là một dải lụa màu  được tạo nên từ muôn vàn sắc hoa, trải dài như bất tận, mềm mại và dịu êm. Thêm vào nữa, không khí trong sạch của núi rừng Tây Bắc sẽ đưa bạn ra khỏi thị phi và phiền muộn trong cuộc sống bận rộn của mình.

Làng du lịch văn hóa Quỳnh Sơn

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn thuộc xã Quỳnh Sơn (huyện Bắc Sơn). Toàn bộ ngôi làng hơn 400 ngôi nhà sàn của dân tộc Tày nằm gọn trong thung lũng Bắc Sơn, nhìn tổng thể thật không sai khi ví rằng ngôi làng như một bức tranh phong cảnh hữu tình. Con người, nhà cửa, tự nhiên, núi rừng… tất cả như hòa quyện vào với nhau làm một, tưởng không liên quan đến nhau nhưng lại hợp nhau, mang vẻ đẹp một cách mộc mạc và chân quê. Hãy đến đây để cảm nhạn hương vị làng quê, tránh xa khỏi khói bụi thành phố nhé.

Vườn hoa tam giác mạch

Không chỉ có Hà Giang, tam giác mạch cũng được trồng nhiều tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Người dân trồng nó tại các thung lũng, xung quanh là núi đá. Khoảng thời gian này trong năm là lúc mà hoa nở rộ một vùng rộng lớn. Các phượt thủ cũng như trekker đến đây checkin rất đông, vậy thì có lí do gì bạn lại bỏ qua thời gian vàng này nhỉ.

Khu du lịch Mẫu Sơn

Là một dãy núi cao thuộc tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam. Đây là một dãy núi cao chạy theo hướng đông-tây, nằm ở phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn thuộc địa phận chính của 3 xã: Mẫu Sơn, Công Sơn huyện Cao Lộc và xã Mẫu Sơn huyện Lộc Bình, của tỉnh Lạng Sơn. Trung tâm dãy núi, (khu du lịch hiện tại) cách thành phố Lạng Sơn 30 km theo đường bộ về phía đông. Đầu phía đông dãy núi giáp với biên giới Việt-Trung. Đây là dãy núi có địa hình và hệ sinh thái vùng núi cao ngoạn mục và đa dạng. Độ cao trung bình của dãy núi từ 800 – 1.000 m so với mực nước biển, với trên 80 ngọn núi lớn nhỏ cao từ 600 m trở lên. Đỉnh Phjia Pò (Công Sơn) cao 1.541 m, cao nhất vùng đông bắc Bắc bộ (Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh). Đỉnh Phjia Mè (Mẫu Sơn) cao 1520 m. Công Sơn và Mẫu Sơn với một mối tình huyền thoại bi thương  và có tên Mẫu Sơn ngày nay.

Mẫu Sơn, từ lâu đã được biết đến với tiềm năng lớn về du lịch. Khí hậu tại đây có những nét đặc biệt: nhiệt độ trung bình trên các điểm cao 15,5 C; nhiều ngày trong năm mây trăng trải dưới các đỉnh núi; mùa đông nhiệt độ ở Mẫu Sơn nhiều đợt xuống dưới độ âm; có băng giá và tuyết rơi, rất đẹp. Các đỉnh núi khe suối thiên nhiên ban cho tạo nên một phong cảnh kỳ vĩ ít nơi có được. Sườn phía bắc và phía nam có 12 con suối khá lớn, nước trong mát quanh năm, nhiều ghềnh thác rất đẹp

 

Ngoài ra nếu lên vào khoảng tầm tháng 6 thì trên đây có hoa cẩm tú nở rất đẹp. Có thể bạn đã quen checkin với tam giác mạch, dã quỳ, cúc họa mi…. vậy hãy thử cẩm tú cầu xem sao nhé.

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là một cửa khẩu quốc tế của Việt Nam nằm trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, điểm nối tuyến đường cao tốc Nam Ninh – Hà Nội, là cầu nối quan trọng trong phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tại cửa khẩu Hữu Nghị, phía Việt Nam đã cắm cột mốc 1116 và phía Trung Quốc cắm cột mốc 1117, đây đều là các cột mốc cỡ lớn, có gắn Quốc huy của hai nước

Ẩm thực Lạng Sơn

Ngoài việc du lịch ngắm cảnh ra thì một mặt khác mà không ai có thể bỏ qua đó chính là ẩm thực nơi mình ghé thăm. Không chỉ cho ngon miệng mà đôi khi ẩm thực còn nói về những câu chuyện, về nguồn gốc của nó, của mảnh đất mà nó ra đời. Vậy, đên Lạng Sơn thì ăn gì?

Phở chua

Phở chua là món  này được chế biến khá cầu kỳ và có hương vị vô cùng hấp dẫn. Mặc dù không khó để tìm thấy kể cả trong những thành phố lớn như Hà Nội, nhưng chỉ có ở Thất Khê, Lạng Sơn là phở chua có tiếng hơn cả. Phở gồm bánh phở, khoai lang thái chỉ chiên giòn, xúng vàng, gan lợn, thịt gà xé, hành phi, lạc rang, dưa chuột, lạp sườn,… với nước dùng có vị béo ngậy của mỡ vịt và gia vị ướp thịt trước khi quay. Giá bán từ 25.000 – 30.000vnđ

 

 

Khâu Nhục

Khâu nhục là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam qua sự biến tấu của người dân tộc Tày, Nùng, và qua thời gian đã trở thành món ăn Đặc sản nổi tiếng của Lạng Sơn. Món ăn được chế biến khá cầu kì từ thịt ba chỉ sau khi đã được ướp kĩ các loại Gia vị và chưng cách thuỷ trong thời gian dài. Tuy là món ăn dân dã nhưng lại mang ý nghĩa tinh thần rất lớn, cách bài trí miếng thịt lên đĩa theo hình dạng một quả đồi nhỏ đang nhô cao thể hiện ý chí và sự lớn mạnh trong tương lai, do đó khâu nhục thường xuất hiện trong các ngày lễ quan trọng của cộng đồng dân tộc Tày-Nùng.

 

Nem nướng Hữu Lũng

Nem nướng là đặc sản riêng có ở huyện Hữu Lũng. Món nem nướng Hữu Lũng cũng là một món đặc sản của Lạng Sơn, làm cho du khách xao xuyến mỗi lần thưởng thức. Nem Hữu Lũng nổi tiếng với hương vị thơm nồng mỗi khi nướng trên bếp than Nem được làm từ thịt sống, sau khi lên men khoảng 2 đến 3 ngày được nướng trên bếp than hoa cho lá chuối cháy xém. Nem được ăn với lá đinh lăng cùng nước mắm chấm chua ngọt tạo nên hương vị đặc trưng riêng chỉ có ở Lạng Sơn.

Lợn quay Lạng Sơn

Món lợn quay là đặc sản không thể bỏ qua khi du lịch xứ Lạng. Lợn móng cái đã qua tuyển lựa, sơ chế sạch sẽ rồi phết kỹ mật ong hòa với giấm lên toàn thân con lợn. Sau đó mang con lợn ra quay trên đống than củi đang cháy hồng, chú ý quay thật đều sao cho cả con lợn được chín vàng đều. Không như lợn quay bình thường, lợn quay Lạng Sơn có vị ngọt của mật ong, sự giòn của da tan ra trong miệng, tất cả đều là những trải nghiệm các bạn khó lòng quên được.

Đó là kinh nghiệm mà bọn mình tổng hợp được. Tuy nhiên mọi thông tin chỉ tham khảo và mang tính chất tương đối vì nhiều thứ có thể thay đổi mà bọn mình chưa bắt kịp. Bạn hãy cứ mạnh dạn xin thêm kinh nghiệm từ những người đã từng đến đây. Megateen chúc các bạn có một chuyến đi thật vui vẻ và đáng nhớ.

Megateen - Kênh thông tin đa chiều về giới trẻ
Logo
Compare items
  • Total (0)
Compare
0